Thuốc lá có chứa nicotine - chất hóa học gây nghiện cao. Khói thuốc lá còn chứa hàng nghìn chất độc gây hại cho tế bào,áchạicủathuốclávớilànếu là phản diện liệu tôi sẽ chết trong đó có tế bào da. Khi hút thuốc, cơ thể hấp thụ nicotine vào niêm mạc ruột, đường hô hấp và da. Keratinocyte là các tế bào chuyên biệt hình thành hàng rào bảo vệ da và hỗ trợ các chức năng miễn dịch quan trọng như tấn công mầm bệnh. Nicotine thúc đẩy quá trình chết của các tế bào này, phá hủy các mạch máu trên da và giảm lưu lượng máu.
Chất này cũng làm thay đổi cấu trúc và chức năng của nguyên bào sợi, một loại tế bào da có chứa collagen đóng vai trò quan trọng trong việc lành thương, duy trì độ săn chắc của da. Ngoài ra, nicotine còn tác động tiêu cực đến các phản ứng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng của cơ thể.
Dưới đây là 10 tác hại thường gặp của thuốc lá với làn da.
Lão hóa sớm
Hút thuốc gây lão hóa da sớm vì làm thu hẹp các mạch máu, hạn chế lượng oxy mà da nhận được, tăng sản xuất các gốc tự do và làm giảm lượng vitamin A trong da.
Hút thuốc còn góp phần sản xuất metallicoproteinase (MMP), một loại enzyme phá vỡ collagen và elastin, những thành phần dạng sợi giúp da săn chắc, mềm mịn. Không có chúng, da trở nên thô ráp và kém đàn hồi, dẫn đến nếp nhăn sâu.
Người hút thuốc thường xuất hiện nếp nhăn sớm hơn nhiều người không hút. Nếp nhăn dễ thấy nhất trên mặt, giữa lông mày, quanh mắt, quanh miệng và môi. Nếp nhăn cũng có thể xuất hiện dọc quanh miệng do mím môi khi hút thuốc. Thói quen này còn gây chảy xệ da, nhất là dưới mắt và xung quanh viền hàm.
Da xỉn màu
Hút thuốc làm tăng hắc tố melanin, dẫn đến các đốm đen, nhất là trên mặt. Cầm điếu thuốc thường xuyên còn khiến da ngón tay vàng do nicotine và các chất độc khác trong thuốc lá (thường gọi là hắc ín). Nghiên cứu tại Thụy Sĩ năm 2015 trên 143 người hút thuốc lá cho thấy những người có ngón tay dính hắc ín có tỷ lệ mắc các bệnh liên quan thuốc lá và tử vong cao hơn.
Chậm lành vết thương
Hút thuốc gây co thắt mạch máu, làm suy yếu khả năng lưu thông máu của cơ thể và khiến vết thương khó lành hơn. Ngay cả những vết cắt và xước nhỏ cũng có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục khi hút thuốc lá, khả năng sẹo cũng cao hơn.
Hầu hết bác sĩ đều khuyên bệnh nhân bỏ hút thuốc trước khi phẫu thuật vì hút thuốc cản trở quá trình lành vết mổ trên da. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo hút thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Một nghiên cứu chung với Liên đoàn các Hiệp hội Bác sĩ Gây mê Thế giới (WFSA), WHO cho thấy cai thuốc lá 4 tuần giúp cải thiện sức khỏe gần 20% nhờ tăng lưu lượng máu đến các cơ quan thiết yếu trên khắp cơ thể.
Bệnh vảy nến
Đây là tình trạng viêm da mạn tính tạo ra các mảng ngứa và có vảy. Vảy nến có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể, gồm tai, da đầu, bàn tay, móng tay và bàn chân. Với người có màu da tối, mảng vảy nến có thể màu tím hoặc nâu sẫm với vẩy màu xám. Ở người có màu da sáng, nó có thể màu đỏ hoặc hồng với vảy bạc.
Hút thuốc là yếu tố nguy cơ phát triển bệnh vảy nến. Nicotine ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, gây viêm da và tăng trưởng tế bào da, góp phần vào sự phát triển của bệnh vẩy nến. Người hút thuốc cũng dễ bị mụn mủ ở tay và chân, gây đau đớn. Giống như bệnh vảy nến, đây là rối loạn viêm tái phát.
Mụn trứng cá
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mưng mủ (mụn trứng cá đảo ngược) là bệnh viêm da tương đối phổ biến, trong đó tổn thương phát triển ở những vùng da cọ xát với da như nách, bẹn.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ môi trường lớn nhất khiến mụn trứng cá đảo ngược phát triển. Những người đang hút thuốc cũng có nhiều khả năng mắc bệnh ở nhiều vùng cơ thể hơn những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc đã ngừng. Bỏ hút thuốc có thể giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh, giúp điều trị hiệu quả hơn.
Viêm mạch
Viêm mạch là nhóm bệnh tự miễn, trong đó các mạch máu thu hẹp và viêm, khiến cơ thể khó cung cấp máu đến tim và các cơ quan khác. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mạch gọi là bệnh Buerger cao hơn. Các triệu chứng bệnh Buerger có thể bao gồm ngón tay hoặc ngón chân nhợt nhạt, đỏ hoặc xanh, loét đau ở ngón tay hoặc ngón chân, lạnh tay hoặc chân và/hoặc đau ở tay, chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, gần như mọi trường hợp mắc bệnh Buerger đều liên quan đến hút thuốc lá. Không có cách chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Ung thư da
Khói thuốc lá có chứa nhiều chất gây ung thư. Người hút thuốc có nguy cơ cao mắc ung thư biểu mô tế bào vảy (một loại ung thư da). Ung thư biểu mô tế bào vảy biểu hiện dưới những mảng da thô ráp hoặc có vảy, u nổi lên trên da, vết loét hở hoặc mụn cóc. Chúng thường có màu nâu ở người có da sẫm hoặc màu đỏ ở người có da sáng.
Sử dụng thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với ung thư biểu mô tế bào vảy miệng (một loại ung thư miệng). Người có những dấu hiệu của bệnh ung thư miệng như đau hoặc vón cục trên môi hoặc miệng, mảng trắng hoặc đỏ trên nướu, lưỡi, amidan hoặc niêm mạc miệng, đau họng, khó nuốt, khó nhai... nên đi khám.
Hói đầu
Nghiên cứu tổng hợp năm 2021 đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ cho thấy nam giới hút 10 điếu thuốc trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng rụng tóc từ trung bình đến nặng cao gấp ba lần. Nguyên nhân là do các chất độc trong thuốc lá phá hủy DNA trong tế bào nang tóc, gây co thắt mạch máu nuôi dưỡng tóc, giải phóng các gốc tự do ở nang tóc.
Bệnh chàm
Bệnh chàm biểu hiện dưới dạng các mảng da đỏ, khô, ngứa. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ gây viêm da dị ứng, dạng bệnh chàm phổ biến nhất.
Một nghiên cứu năm 2018 trên hơn 2.000 sinh viên tại Trung Quốc cho thấy những người tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh dị ứng da như bệnh chàm khi ở tuổi thanh thiếu niên. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hút thuốc có liên quan đến tăng nguy cơ mắc viêm da tiếp xúc, một loại bệnh chàm phổ biến khác.
Bạn nên bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt nếu gặp phải những vấn đề về da trên. Khi bỏ thuốc, tình trạng viêm mạch máu giảm dần, lưu lượng máu bình thường trở lại sẽ mang oxy và chất dinh dưỡng đến các tế bào da, giúp da trông hồng hào, tươi tắn hơn. Khả năng lành thương cũng như tình trạng mụn trứng cá, chàm da, vảy nến trên cơ thể đều cải thiện.
Nghiên cứu năm 2019 trên 52 người ở Iran cho thấy mẩn đỏ và đốm đồi mồi giảm hẳn sau khi ngừng hút thuốc một tháng. Một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Khoa học Thẩm mỹ Quốc tế cũng phát hiện ra rằng làn da sáng hơn trong 4 đến 12 tuần sau khi bỏ thuốc.
Anh Ngọc(Theo Verywell Health)